Trong chiến lược marketing nội dung, Content Pillar là 5-7 chủ đề chính, định hướng cho nội dung của bạn. So với Content Angle, Content Pillar giúp bạn xây dựng nội dung nhất quán, tiếp cận và thuyết phục khán giả, đồng thời xây dựng hình ảnh thương hiệu rõ ràng.
Ngoài cách nhìn Content Pillar đơn thuần như các chủ đề nội dung cốt lõi, bài viết này sẽ cung cấp 5 mô hình đa chiều, sáng tạo cho chiến lược marketing nội dung. Đây sẽ là cách để bạn chọn Content Pillar phù hợp với thương hiệu. Mỗi mô hình đều có cách tiếp cận và ứng dụng riêng để tối ưu hóa kết quả, đem lại tỉ lệ chuyển đổi cao.
5 cách tạo content pillar cho chiến lược nội dung marketing
- Cách tạo content pillar theo định vị thương hiệu
- Cách tạo content pillar theo mục tiêu của thương hiệu
- Cách tạo content pillar theo hành trình khách hàng
- Cách tạo content pillar theo cấp độ chuyên môn
- Cách tạo content pillar theo target audience
Chọn Content Pillar theo chủ đề cốt lõi là cách tiếp cận phổ biến trong việc xây dựng chiến lược nội dung marketing, tập trung vào những chủ đề chính xoay quanh thương hiệu. Tuy nhiên, các Content Pillar này có thể khiến nội dung của thương hiệu nhạt nhoà, không đem lại giá trị so với nội dung từ các thương hiệu đối thủ. Khi đó, đội ngũ nên phát triển Content Pillar dựa trên các mô hình khác nhau để tạo nên một chiến lược content marketing cạnh tranh hơn.
Cách tạo content pillar theo định vị thương hiệu
Content Pillar theo định vị thương hiệu (brand proposition) thường phản ánh các giá trị cốt lõi. Là những điểm mạnh nổi bật nhất trong hình ảnh thương hiệu. Đây là những yếu tố có khả năng giúp chiến lược marketing nội dung nổi bật hơn trong mắt khán giả.
Case study: Chiến lược nội dung marketing của Cocoon Vietnam
Cocoon Vietnam áp dụng chiến lược Content Pillar với 3 giá trị cốt lõi: bảo vệ động vật, lối sống xanh, và nguyên liệu Việt Nam. Mỗi pillar content liên kết với giá trị cốt lõi của thương hiệu và phản ánh mong muốn của khách hàng, từ bảo vệ môi trường đến niềm tự hào nội địa. Chiến lược này giúp Cocoon xây dựng cộng đồng người tiêu dùng trung thành, có ý thức trách nhiệm và gắn kết cảm xúc.
Cách tạo content pillar theo mục tiêu của thương hiệu
Chọn Content Pillar theo mục tiêu của thương hiệu là một cách định hướng chiến lược nội dung marketing dựa trên các mục tiêu cụ thể mà thương hiệu đặt ra. Mỗi mục tiêu sẽ tương ứng với một Content Pillar, giúp tối ưu hóa lịch xuất bản nội dung để đạt được hiệu quả tối đa. Ví dụ về Content Pillar theo mục tiêu của thương hiệu:
- Nhận diện thương hiệu: Tập trung vào việc tạo nội dung gia tăng nhận diện thương hiệu. Bao gồm bài viết giới thiệu câu chuyện thương hiệu, thể hiện tính cách và giá trị cốt lõi, hướng đến tệp khách hàng mục tiêu.
- Xây dựng lòng trung thành: Marketing nội dung về các chương trình thành viên để khuyến khích khách hàng quay lại và gắn kết hơn. Đồng thời, tạo nội dung thể hiện sản phẩm phù hợp với nhiều trường hợp sử dụng (use case) khác nhau, giúp khách hàng thấy rõ giá trị đa dạng mà sản phẩm mang lại.
- Quảng bá sản phẩm & dịch vụ: Nội dung này tập trung vào giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, nhấn mạnh các đặc điểm nổi bật của chúng.
- Thúc đẩy tương tác, chuyển đổi: Nhằm mục tiêu thúc đẩy hành vi mua hàng hoặc đăng ký dịch vụ. Nội dung có thể bao gồm ưu đãi đặc biệt, minigame, lời chứng thực từ khách hàng, và lời kêu gọi hành động mạnh mẽ để tăng khả năng chuyển đổi.
Case study: Content Pillar của Chidori Coffee in Bed
Với pillar "Hình ảnh thương hiệu", Chidori Coffee in Bed tập trung vào cảm giác ấm áp và sự thân thuộc, giúp khách hàng thấy Chidori như một không gian an yên. Content pillar "Xây dựng lòng trung thành" khéo léo gợi ý nhiều "lý do" sử dụng dịch vụ, nhấn mạnh rằng Chidori luôn có một không gian phù hợp cho mọi nhu cầu của khách hàng, từ học tập, làm việc đến thư giãn cùng bạn bè. Cuối cùng, các hoạt động khuyến mãi và minigame được thiết kế để thúc đẩy tương tác và gia tăng doanh số. Nhờ đó, Chidori vừa củng cố hình ảnh thương hiệu quen thuộc, vừa duy trì sự gắn kết và tăng trưởng kinh doanh.
Cách tạo content pillar theo hành trình khách hàng cho chiến lược nội dung marketing
Content Pillar theo hành trình của khách hàng là một cách tiếp cận chiến lược để phát triển nội dung phù hợp với từng giai đoạn khác nhau trong quá trình mua hàng. Mỗi giai đoạn đòi hỏi một loại nội dung riêng, giúp thương hiệu kết nối và dẫn dắt khách hàng đi từ nhận thức đến hành động mua hàng. Thậm chí trở thành người ủng hộ trung thành.
- Giai đoạn nhận thức: Ở giai đoạn này, khách hàng mới bắt đầu nhận ra một vấn đề hoặc nhu cầu. Nội dung cần tập trung vào việc cung cấp thông tin hữu ích, tạo ra nhận thức và giáo dục khách hàng về vấn đề họ đang gặp phải.
- Giai đoạn quan tâm: Khi khách hàng đã nhận thức được vấn đề, họ sẽ tìm hiểu các giải pháp khả thi. Nội dung ở giai đoạn này cần giúp khách hàng so sánh, đánh giá các lựa chọn và nhấn mạnh ưu thế của thương hiệu.
- Giai đoạn quyết định: Đây là giai đoạn mà khách hàng đã sẵn sàng đưa ra quyết định mua hàng. Nội dung cần thúc đẩy họ hành động bằng cách nhấn mạnh vào giá trị và lợi ích của sản phẩm hoặc dịch vụ.
Case study: Marketing content của Hệ thống bệnh viện Mắt Sài Gòn
Chiến lược Content Pillar của Mắt Sài Gòn được xây dựng theo hành trình khách hàng, từ việc tạo nhận thức, gia tăng sự quan tâm, đến thúc đẩy quyết định, nhằm dẫn dắt khách hàng từ hiểu biết đến hành động cụ thể.
Cách tạo Content pillar theo cấp độ chuyên môn
Content Pillar theo trình độ chuyên môn là cách tiếp cận dựa trên cấp độ kiến thức, kỹ năng, cũng như hành trình sử dụng sản phẩm của khách hàng. Phương pháp này giúp thương hiệu cung cấp nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng có nhu cầu và mức độ hiểu biết khác nhau, từ đó xây dựng lòng tin và tạo dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
- Người mới bắt đầu: Nội dung dành cho nhóm đối tượng này cần đơn giản, dễ hiểu và cung cấp những kiến thức cơ bản nhất. Mục tiêu là giúp họ hiểu rõ sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn và xây dựng nền tảng kiến thức ban đầu.
- Trình độ trung cấp: Đây là nhóm khách hàng đã có kiến thức cơ bản và muốn tìm hiểu sâu hơn. Nội dung dành cho họ cần chi tiết hơn, tập trung vào cách sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ trong những tình huống cụ thể, hoặc các lời khuyên và mẹo nâng cao.
- Chuyên gia: Đối với nhóm khách hàng này, nội dung cần phải thể hiện sự chuyên sâu và tiên tiến, giúp họ khám phá hết tiềm năng của sản phẩm hoặc dịch vụ. Nội dung cần tập trung vào những tính năng phức tạp, những xu hướng mới, hoặc các nghiên cứu chuyên sâu.
Cách tiếp cận này phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ phức tạp như công nghệ, tài chính, hoặc giáo dục, nơi mà khách hàng có nhu cầu phát triển và nâng cấp kiến thức qua từng giai đoạn.
Case study: Chiến lược nội dung marketing của iPOS
Chiến lược Content Pillar của iPOS được xây dựng dựa trên trình độ chuyên môn của đối tượng khách hàng, với các nội dung phù hợp cho người mới bắt đầu, người có kinh nghiệm trung cấp, và các chuyên gia, nhằm cung cấp thông tin hữu ích và hỗ trợ khách hàng phát triển theo từng cấp độ chuyên môn trong lĩnh vực F&B.
Cách tạo Content Pillar theo khán giả mục tiêu
Trong nhiều trường hợp, quyết định mua hàng có thể bị phân tán giữa nhiều khán giả khác nhau: Người quyết định mua hàng, và người sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Xây dựng chiến lược marketing nội dung theo Content Pillar dành riêng cho mỗi nhóm khán giả giúp tối đa hoá ảnh hưởng và gia tăng cơ hội chuyển đổi.
- Người mua hàng. Là người cuối cùng quyết định trả tiền cho sản phẩm hay dịch vụ. Content phải tập trung vào giá trị tài chính và tầm quan trọng chiến lược. Tập trung trả lời câu hỏi quan trọng, "Đây là một đầu tư đáng giá không?"
- Người sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Không phải người ra quyết định, nhưng ý kiến của họ có thể tác động rất lớn đến quyết định cuối cùng. Content cần thuyết phục sản phẩm, dịch vụ sẽ giúp họ giải quyết vấn đề hàng ngày hoặc đạt mục tiêu cá nhân một cách hiệu quả nhất.
Case study: Marketing content của Yola
Chiến lược Content Pillar của Yola tập trung vào khán giả mục tiêu bằng cách chia nội dung cho người quyết định mua hàng và người trải nghiệm sản phẩm, nhằm thuyết phục phụ huynh thông qua câu chuyện thành công của học viên, đồng thời khuyến khích học sinh bằng các trải nghiệm tích cực và thành tựu rõ ràng.
Lời kết
Hy vọng rằng các mô hình Content Pillar đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách xây dựng chiến lược nội dung marketing hiệu quả, từ xác định chủ đề cốt lõi đến tùy chỉnh nội dung theo nhu cầu của khách hàng. Điều quan trọng là lựa chọn mô hình phù hợp, marketing content tối ưu hóa sự kết nối với khách hàng và thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi. Bắt đầu thử nghiệm các mô hình này và khám phá cách tiếp cận nào sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho chiến lược marketing nội dung cho bạn nhé!