Thay vì nói triệu điều, hãy nói một điều triệu lần.

Trong lĩnh vực quảng cáo, tiếp thị, và xây dựng thương hiệu, ai cũng biết đến khái niệm này. Nó nhấn mạnh vào sức mạnh của một thông điệp nhất quán và tập trung, được truyền tải lặp đi lặp lại đến người tiêu dùng.

Nhưng khi áp dụng vào content marketing, khái niệm này lại bị nhiều người lãng quên. Chúng ta liên tục bắt mình phải tạo ra những nội dung mới, những góc nhìn lạ, hay những gì bắt trend nhất, thu hút nhất. Qua một thời gian, chúng ta cảm thấy burnout (kiệt sức).

Quan niệm sai lầm: Luôn phải tạo ra những thứ mới mẻ

Khi mới bắt đầu "nhúng tay" vào làm content marketing cho PostLab, mình đã nghĩ rằng bản thân phải luôn thật sáng tạo. Điều đó đồng nghĩa với việc viết về nhiều chủ đề khác nhau. Càng nhiều càng tốt.

Nhiều bạn mình biết trong mảng sáng tạo nội dung cũng nghĩ như vậy. Đối với họ, việc tái chế nội dung của mình là một cái gì đó ... đi ngược với nghề.

Điểm khởi đầu ...

Khi bắt đầu xây dựng hình ảnh thương hiệu, bạn sẽ không biết mình cần chú trọng vào điều gì. Việc sáng tạo nhiều chủ đề khác nhau, hoặc thử sức nhiều thể loại cũng là một cái tốt. Nhất là khi bạn đang lục tìm những ngách nhỏ (niche) mà content của bạn đạt hiệu quả cao nhất.

Lâu dài, nó không phải là một chiến lược bền vững. Điều đó không những dẫn đến sự kiệt sức trong sáng tạo, mà còn tạo ra những nội dung thiếu chiều sâu, nhạt nhoà, và nhàm chán.

... Không phải là cả chặng đường còn lại

Một khi bạn đã tìm ra được ngách, hãy tập trung vào một vài thông điệp chính. Tập trung. Bền bỉ. Và xuyên suốt.

Đừng đánh giá thấp việc lặp đi lặp lại

Chúng ta hay có một nỗi sợ vô hình. Là khán giả sẽ thấy nhàm chán khi mình lặp đi lặp lại một thông điệp quá nhiều. Nhưng nghĩ một chút nhé. Bạn – một người đại diện cho thương hiệu – đang tiếp xúc với tất cả các nội dung của thương hiệu trên tất cả các nền tảng. Mỗi ngày.

Khán giả của thương hiệu thì không như vậy. Với bất cứ nội dung nào mà bạn xuất bản, chỉ khoảng 10% lượng người theo dõi của bạn sẽ lướt qua nó. Lướt. Chưa chắc họ đã đọc nội dung của bạn đâu.

Hãy lặp đi, lặp lại một vài thông điệp chủ đạo. Một cách khéo léo và có chiến lược. Tuỳ vào cách "thiên biến vạn hoá" content, bạn có thể sẽ giúp ngay cả những "fan" trung thành nhất cũng không cảm thấy nhàm chán. Và điều này, dẫn đến ý cuối cùng.

Sức mạnh của việc upcycle content

Một kỹ năng quan trọng trong giới content là khả năng tái tạo và làm mới những nội dung, thông điệp đang có. Mỗi lần xuất bản là một lần xoay chuyển góc viết, để có thể tìm ra được góc tiếp cận phù hợp với khán giả.

Trong tiếng Anh, khi nói đến tái chế nguyên vật liệu, người ta hay sử dụng chữ "recycle". Nhưng có một khái niệm khác – upcycle – vốn có nghĩa là tạo ra giá trị mới từ đồ vật được tái chế.

Trong content, mình cũng thích "upcycle content" hơn "recycle content". Đúng. Bạn đang sử dụng lại những nội dung sẵn có. Nhưng hãy làm cho nó tốt hơn. Sâu sắc hơn. Phù hợp với thời điểm hiện tại hơn. Mình tin rằng, đây là cách tái sử dụng nội dung đúng. Và cũng là thứ bạn nên làm.

Một trong những lợi thế của việc upcycle content, là bạn sẽ dần tìm ra chính xác những yếu tố nào trong cách truyền tải thông điệp đem đến hiệu quả cao nhất. Nó giúp bạn khám phá (explore), ngay cả khi đang đào sâu (exploit).


Do đó, hãy nói ít hơn. Chính xác hơn, là nói về ít vấn đề hơn.

Nhưng hãy viết lại, viết lại, và viết lại thông điệp của bạn theo nhiều cách khác nhau. Dưới nhiều góc độ khác nhau.

Eventually, something will catch on.