Gần đây, việc sáng tạo content video dần trở nên phổ biến hơn, vì nó đang được các nền tảng đẩy mạnh tiếp cận, dễ đem lại hiệu quả cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là định dạng post của Facebook đang mất đi tính hiệu quả. Nhiều thông tin được truyền tải tốt hơn thông qua định dạng truyền thống này. Nhưng bạn có chắc bạn đang tận dụng tối đa tiềm năng của nó?
Và mình sẽ chia sẻ với bạn những bí quyết thiết kế content cho Facebook đã làm tăng tỉ lệ chuyển đổi của PostLab. Những yếu tố này đều được quyết định dựa vào cách người dùng đang tương tác với content trên Facebook.
Những bí quyết bên dưới sẽ giúp bạn:
- Tăng thời gian khán giả xem bài post.
- Tăng tỉ lệ tương tác, trong đó click cũng là một chỉ số tương tác.
- Tối ưu trải nghiệm tiếp thu thông tin, giúp người đọc nắm bắt thông tin nhanh chóng hơn, từ đó tăng tỉ lệ hành động (nhắn tin, mua hàng, xem website, đăng ký trải nghiệm, v.v.)
Thiết kế tương tác
Khác với video và blog, cách tiếp nhận thông tin của khán giả gần như là tuyến tính (linear), có nghĩa là khán giả sẽ tiếp nhận content của bạn từ đầu đến cuối (nếu họ không bỏ ngang), không nhảy đoạn.
Cách khán giả thường tương tác với Facebook post lại không như vậy. Chúng có đặc điểm riêng, và cũng là lợi thế nếu bạn biết tận dụng. Những yếu tố giúp tăng hiệu quả của Facebook post:
- Có nhiều hơn 5 hình. Khi đó, giao diện sẽ hiển thị dấu [+]. Đây là yếu tố thúc đẩy khán giả tương tác (click) với content của bạn. Đồng thời, bạn đã giúp khán giả tiến một bước gần hơn với CTA mà bạn đặt sẵn. Xem thêm về các layout khác cho Facebook post.
- Tiêu đề giá trị trên ảnh. Tiêu đề của từng ảnh phải thể hiện được nội dung chính, nhưng chỉ đưa một nửa thông tin. Nó phải khiến khán giả đủ tò mò để click ảnh xem thêm nửa thông tin còn lại.
- Tận dụng chú thích ảnh. Dù là khán giả đang tiếp nhận content của bạn trên máy tính hay điện thoại, chỉ cần họ click vào xem ảnh là họ đã thấy được chú thích ảnh. Hầu hết các doanh nghiệp đang lãng phí công cụ này, vì đây là cơ hội để bạn tiếp tục thuyết phục khán giả hành động.
- Đặt CTA trong chú thích ảnh và xuyên suốt. Khi khán giả chỉ vừa lướt qua bài post của bạn, rất hiếm khi họ sẽ hành động ngay lúc đó. Khán giả cần thêm thông tin trong từng hình ảnh, nên việc đặt CTA trong chú thích ảnh sẽ dễ làm tăng tỉ lệ hành động hơn.
Thiết kế "giao diện"
Nếu thiết kế tương tác là thiết kế cách khán giả "sử dụng" và tiếp nhận content của bạn, thì thiết kế giao diện chính là thiết kế điểm chạm đầu tiên. Khán giả phải cảm thấy ấn tượng với content của bạn, và dừng lại, ngưng lướt feed trước khi họ bắt đầu tương tác với content của bạn.
- Màu sắc tươi sáng, nổi bật. Những bài post hiệu quả nhất của PostLab thường có tông màu xanh chuối hoặc cam. Đây là các màu sắc ít thấy trên Facebook do tính chất khó sử dụng. Nhưng chính những màu sắc nổi bật này là yếu tố thu hút sự chú ý của người xem nhiều nhất.
- Nội dung chính ngắn gọn. Khi một bài post của bạn có đính kèm nhiều hình ảnh, khán giả thường sẽ click ngay vào từng ảnh để xem chi tiết và không để tâm quá nhiều đến nội dung chữ trong bài post chính. Do đó, bạn chỉ cần đầu tư vào một tiêu đề thật hay, thật ấn tượng là đủ.
- Lặp lại tiêu đề trên hình ảnh. A picture is worth a thousand words - Một bức tranh hơn ngàn lời nói. Khi các hình ảnh được thiết kế bắt mắt, khán giả thường sẽ bỏ qua phần nội dung chữ và đi thẳng vào xem chi tiết từng hình. Việc lặp lại tiêu đề trên hình ảnh giúp đưa thông tin đến khán giả nhanh hơn và thú vị hơn.
- Cắt nhỏ thông tin. Nếu bạn không phải là một chuyên gia có tiếng, nhiều khả năng bài post ngàn chữ của bạn sẽ bị lướt qua. Hầu hết khán giả không thích (và không thể) đọc thông tin quá dài trên Facebook. Rút gọn nội dung, cắt nhỏ thành nhiều ảnh, và điều hướng khán giả về website để có trải nghiệm đọc tốt hơn. Và bạn cũng có cơ hội thuyết phục khán giả hành động dễ dàng hơn.
Ví dụ thực tế từ brand
Bài post chia sẻ kiến thức
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể có những bài post chia sẻ kiến thức. Ví dụ như Bopbi House, một thương hiệu chuyên tổ chức các buổi workshop làm gốm ngắn hạn, cũng có những bài post chia sẻ kiến thức, ý tưởng rất hữu ích.
Bài post này có đầy đủ tất cả những yếu tố mà mình đã nêu ở trên. Nhưng bài post của Bopbi House có thể còn tốt hơn nữa, nếu dưới mỗi hình ảnh có một CTA cụ thể như Nhắn tin, Đặt lịch workshop, hoặc Tìm hiểu thêm về thông tin workshop.
Bài post giới thiệu nhiều sản phẩm
Nếu bạn đang kinh doanh, chắc chắn bạn sẽ có nhiều sản phẩm khác nhau. Format bài post nhiều ảnh, mỗi ảnh là một sản phẩm như thương hiệu Minh Cosmetics - skin365.vn bên dưới không quá lạ lẫm.
Nhưng ngoài việc đính kèm một link mua hàng ở post chính, Minh Cosmetics còn đính kèm link của từng sản phẩm trong chú thích của từng ảnh. Việc này giúp khách hàng dễ xem sản phẩm trên Facebook, và tiến đến việc tìm hiểu thêm thông tin hoặc mua sản phẩm đó ngay trên website.
Bài post giới thiệu các không gian
Chidori Coffee in Bed là một chuỗi cà phê, với sản phẩm đặc trưng không gian Coffee in Bed. Khác với các mô hình cà phê khác, khách hàng đến Chidori sẽ chọn một combo với khoảng thời gian phù hợp để thưởng thức các thức uống, món ăn trong không gian Coffee in Bed.
Do tính đặc thù của mô hình, việc giới thiệu không gian chính Coffee in Bed, cũng như các không gian khác tại Chidori là điều hết sức cần thiết. Những khách hàng mới, nếu không biết về mô hình, sẽ rất dễ cảm thấy ngỡ ngàng khi ghé thăm Chidori.
Bài viết giới thiệu tất cả các không gian ở Chidori đã "trả lời" cho câu hỏi trên. Chọn những hình ảnh thể hiện bao quát không gian. Content chữ trong từng hình ảnh bổ trợ cho từng không gian. Cuối mỗi hình, người xem có thể nhấp vào đường link để xem không gian chi tiết hơn, hoặc ngay lập tức đặt chỗ cho không gian đó.
Kết lại, dù bạn đang "chơi" trên nền tảng nào, content của bạn cũng cần được thay đổi và thích ứng để phù hợp với hành vi sử dụng của khán giả trên nền tảng đó.
User-centered design means understanding what your users need, how they think, and how they behave – and incorporating that understanding into every aspect of your process. (Jesse James Garrett)
Bạn hỏi, Hoàng Anh trả lời
Q: Làm sao để hẹn giờ đăng bài mà vẫn thêm được chú thích cho từng ảnh?
Nếu bạn đang sử dụng Meta Business Suite để đăng bài, đúng là bạn sẽ không thể thêm chú thích từng ảnh được. Buộc lòng bạn phải đăng thủ công lên fanpage thôi 🥲
Nhưng PostLab thì có tính năng thêm chú thích ảnh, và hẹn giờ đăng bài nha! Thậm chí, bạn còn có thể hẹn giờ đăng ảnh vào album trên fanpage nữa.
Q: Mình có nên áp dụng những yếu tố này vào tất cả các bài post không?
Không nên nhé. Tuỳ vào mục đích của bài post, bạn nên thiết kế content cùng với những yếu tố phù hợp cho mục đích đó.
Nếu bạn có câu hỏi khác, gửi câu hỏi của bạn cho Hoàng Anh, và mình rất sẵn lòng trả lời, trao đổi với bạn về những ý tưởng trong bài chia sẻ này nha!