Bạn đã bao giờ ở trong tình thế có quá nhiều ý tưởng muốn triển khai, nhưng lại không đủ thời gian. Bạn loay hoay không biết nên ưu tiên những dự án nào, dựa trên những tiêu chí gì. Đồng thời, cái giá phải trả khi bạn ưu tiên phương án sai có thể khá lớn.

Vậy thì bạn cần làm quen với thang điểm I.C.E. Với thang điểm I.C.E, bạn có thể áp dụng và xếp hạng vào những việc sau:

  • Phát triển content theo thứ tự thang điểm I.C.E
  • Sắp xếp và chọn các dự án bạn cần phải làm trong tháng
  • Chọn những khoá học và phát triển bản thân

Thật lợi hại phải không? Vậy cùng team PostLab xem thang điểm I.C.E là gì nhé!


Thang điểm I.C.E là gì?

Phương pháp ưu tiên sử dụng thang điểm I.C.E được phát minh bởi Sean Ellis, người nổi tiếng với việc giúp các công ty phát triển và sáng tạo ra thuật ngữ Growth Hacking.

Trong quy trình thiết kế và phát triển phần mềm, thang điểm I.C.E được sử dụng để quyết định tính năng nào sẽ được ưu tiên phát triển trước. Tuy nhiên, về bản chất, bạn có thể áp dụng thang điểm I.C.E cho bất kì lúc nào bạn cần ưu tiên công việc.

Thang điểm I.C.E bao gồm 3 yếu tố. Cho mỗi ý tưởng, đánh giá 3 yếu tố sau trên thang điểm từ 1-10:

  • Impact (Sự tác động): Ý tưởng này sẽ ảnh hưởng tích cực đến mục tiêu chính mà bạn đang cố gắng cải thiện nhiều như thế nào.
  • Confidence (Sự tự tin): Bạn cảm thấy chắc chắn như thế nào về con số Impact?
  • Ease (Sự dễ dàng trong việc thực hiện ý tưởng này): Bạn ước tính cần bao nhiêu nỗ lực và nguồn tài nguyên để thực hiện ý tưởng này? Con số càng cao thì ý tưởng này càng dễ thực hiện (có thể bạn đã có sẵn những hình ảnh, video hỗ trợ rồi).

Điểm I.C.E cuối cùng của một ý tưởng sẽ là tổng của 3 yếu tố Impact + Confidence + Ease. Một ý tưởng có điểm càng cao thì bạn càng nên ưu tiên thực hiện ý tưởng đó.

Cách đánh giá sự tự tin

Trong cả 3 yếu tố, con số Confidence (sự tự tin) có lẽ sẽ làm nhiều bạn hoang mang nhất. Làm sao bạn có thể đánh giá được mức độ tự tin về sự ảnh hưởng của một chiến lược? Tất nhiên, bạn không muốn quá sa đà vào cảm giác chủ quan của mình (chỉ vì bạn tin là nó sẽ hoạt động hiệu quả).

Dựa trên thang điểm đánh giá sự tự tin:

  • Thấp hơn 1: Nếu những dữ liệu của bạn có được chỉ dựa trên một vài nghiên cứu sơ bộ, chiến lược và định hướng chung của thương hiệu, hoặc thậm chí chỉ là cảm giác cá nhân của bạn, rõ ràng bạn không có quá nhiều thông tin để tự tin vào sự thành công của ý tưởng.
  • Từ 2-3: Trong công việc, đôi lúc bạn sẽ có thể đi hỏi ý của người ngoài (người cùng team, sếp của bạn, xu hướng tại thời điểm đó). Tuy nhiên, nếu những ý kiến này không dựa trên những dữ liệu thực tế, con số Confidence cũng không thể quá cao.
  • Từ 4-5: Từ mốc này trở đi, bạn cần phải có một vài dữ liệu để bổ trợ cho ý tưởng của mình. Nếu ý tưởng của bạn bắt nguồn từ một vài ý kiến của khán giả, hoặc từ đội sales (đúng vậy, vì họ làm việc khá gần với khách hàng) - sự tự tin của bạn có thể là 4 hoặc 5.
  • Từ 6-7: Ý tưởng của bạn được dựa trên những dữ liệu được thu thập thực tế từ thị trường hiện tại, những bảng khảo sát, hoặc thậm chí là từ nhiều đối thủ.
  • Từ 8-9: Khác mới mốc 4-5, nếu ý tưởng của bạn được dựa trên ý kiến đến từ tập khách hàng lớn (hoặc khách hàng thân thiết), đồng thời được bổ trợ bởi các dữ liệu từ ý tưởng trong quá khứ, có thể nói là bạn khá tự tin với ý tưởng này.
  • 10: Mốc điểm cao nhất, khó nhất, nhưng không hẳn là không thể xảy ra. Trong marketing, điểm 10 cho sự tự tin có thể xảy ra sau khi bạn đã ra mắt một chiến dịch nào đó, và chiến dịch đó cực kì thành công. Và ý tưởng của bạn là một sự tiếp nối, dựa trên chiến dịch có sẵn. Khả năng cao là bạn sẽ thành công với nó.

Mục tiêu của điểm I.C.E là gì?

Tất nhiên, phương pháp tính điểm I.C.E không phải là một hệ thống hoàn hảo để ưu tiên các tính năng và ý tưởng cá nhân. Đây chỉ là một phương pháp ưu tiên tương đối.

Mục tiêu chính của thang điểm I.C.E là ngăn bạn sa lầy vào việc cố gắng tinh chỉnh điểm số và những ý tưởng không cần thiết quá nhiều. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, phương pháp này đủ tốt để hoàn thành công việc.

Hạn chế của I.C.E

Phương pháp sắp xếp thứ tự ưu tiên này đôi khi bị chỉ trích vì tính chủ quan của nó, nhất là khi bạn làm việc theo nhóm:

  • Cùng một content có thể được chấm điểm khác nhau bởi cùng một người vào thời điểm khác nhau. Nó có thể ảnh hưởng đến danh sách ưu tiên cuối cùng.
  • Nếu những người khác nhau chấm điểm một content để phát triển - tất cả họ sẽ chấm điểm khác nhau.
  • Các thành viên trong nhóm muốn content của họ được ưu tiên có thể chỉ cần thao túng điểm số để các content được chấp thuận

Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải hiểu rõ ràng mục đích của thang điểm ICE.


Đánh giá ý tưởng content qua thang điểm I.C.E

Hãy áp dụng nó cho content “5 bước lên kế hoạch cho chiến dịch content marketing” thử nhé.

  • Impact (Sự tác động): Bài viết này dự kiến sẽ được phát hành ngay trước Trung Thu, và nội dung bài viết cũng sẽ được thêm thắt những chi tiết về Trung Thu. Vì vậy, mình khá chắc khán giả sẽ rất quan tâm đến nội dung này, và nó sẽ giúp làm tăng traffic đến blog của PostLab. Vì vậy, mình chấm điểm 8 cho Impact.
  • Confidence (Sự tự tin): Làm cách nào để mình có thể chắc chắn rằng tính năng này sẽ dẫn đến sự cải tiến như mình đã mô tả trong phần Impact? Cho bài viết này, mình phần nhiều dựa vào dữ liệu từ thị trường. Khán giả cho loại content này hầu hết là các bạn content marketer, người vốn dĩ đã rất nhạy cảm với những thông tin mang tính chất thời điểm. Do đó, kiến thức liên quan đến một sự kiện cụ thể có khả năng được các bạn đánh giá cao hơn. Thêm vào đó, quan sát cho thấy những bài viết mang tính chất thời điểm trước đó cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Vì vậy, mình chấm điểm 6 cho Confidence.
  • Ease (Sự dễ dàng): Mình cần những gì để hỗ trợ cho content này? Về ý tưởng và sườn bài viết mình đã có sẵn. Về đồ hoạ hỗ trợ, mình có thể nhanh chóng tìm hình ảnh minh hoạ ở undraw.co hoặc vecteezy.com, và với những kiến thức về thiết kế sẵn có, điều này không khó khăn lắm. Công việc tốn thời gian nhất có lẽ sẽ là tìm kiếm ví dụ từ 1 thương hiệu Việt Nam. Vì vậy, mình chấm điểm 7 cho Ease.

Tổng điểm I.C.E cuối cùng cho ý tưởng content này là 21/30. Tuy không phải là con số quá cao, nhưng nó là con số cao nhất trong tất cả các ý tưởng content mình có tại thời điểm đó. Vì vậy, mình ưu tiên dành thời gian để tập trung phát triển content này.

5 bước lên kế hoạch cho chiến dịch social media
Sử dụng PostLab để quản lý chiến dịch social media một cách hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất.

Kết quả

Đây là bài viết có lượt traffic cao thứ 3 của PostLab, chỉ đứng sau trang chủ PostLab và bài viết Ý tưởng Content Pillar cho 11 nhóm thương hiệu. Nhưng điều đặc biệt nhất là gì? Tất cả các lượt traffic này đều đến trong 3 ngày cuối tuần trước Trung Thu 2021.

Xét trên mục tiêu tại thời điểm đó của PostLab là đem traffic về website càng nhiều càng tốt, content 5 bước lên kế  hoạch cho chiến dịch social media đã làm rất tốt. Và mình đã phát triển đúng content dựa trên thang điểm I.C.E.


Sử dụng công cụ gì để dễ theo dõi thang điểm I.C.E?

Thật ra, bạn có thể sử dụng bất kì công cụ trực quan nào để đánh giá và theo dõi thang điểm I.C.E cho các ý tưởng content của bạn. Ngay cả Excel hoặc Google Sheets cũng có thể làm được việc này. Nhưng mình sẽ giới thiệu thêm cách bạn có thể sử dụng Notion để theo dõi thang điểm I.C.E nhé!

Bước 1: Tạo một trang mới trong Notion, và chọn Board dưới mục Database.

Bước 2: Tạo 4 cột tượng trưng cho 4 trạng thái khác nhau của content (Ý tưởng, đang phát triển, đã hoàn tất, không phát triển). Vì sao bạn lại cần cột Không phát triển? Đọc thêm tại bài viết này nhé.

Bước 3: Tạo thẻ cho mỗi ý tưởng content mà bạn có.

Bước 4: Tạo các trường dữ liệu cho từng yếu tố Impact, Confidence, và Ease bằng cách nhấn nút "Add a property", đặt tên cho dữ liệu của bạn, và chọn "Number" cho Property type.

Bước 5: Tạo một trường (property) mới đặt tên là ICE, với property type là Formula. Nhấn Edit Formula, và chọn Impact, nhấn phím +, chọn Confidence, nhấn phím +, và chọn Ease. Sau cùng, nhấn nút Done.

Sau khi bạn hoàn tất, bạn sẽ thấy con số 0 ngay tại trường ICE này. Bạn có thể thử thêm số vào các trường Impact, Confidence, và Ease để xem phép toán bạn vừa tạo có đúng hay không.

Bước 6: Để hiển thị điểm ICE trên bảng chung, nhấn nút Properties trên thanh công cụ, và bật chỉ số ICE lên.

Bước 7: Để tự động sắp xếp các ý tưởng content của bạn trên thang điểm I.C.E từ cao đến thấp, nhấn nút Sort trên thanh công cụ, chọn Add a sort, chọn trường ICE và chọn "Descending" (từ cao đến thấp).

Vậy là bạn đã hoàn tất. Bắt đầu gắn điểm cho từng chỉ số, và bắt tay vào công việc thôi nào!